Công việc kì lạ
Tình yêu giản đơn hơn những cuốn sách bạn từng đọc, những bộ phim bạn từng xem. Cứ thử yêu một ai đấy đi, bạn sẽ hiểu…
To my turtle.Paris Gateaux. Minh
Sau khi đã chán chê với những bức
tranh màu sắc treo khắp tường khắc họa… bánh ga tô, Minh bắt đầu giết thời gian
một cách khéo léo hơn. Những người xung quanh sẽ tỏ ra bất ngờ nếu để ý một
chàng trai với bộ mặt ngái ngủ, hai tay chống cằm, đôi mắt mở vừa đủ cho ánh
sáng lọt vào. Anh trông như kẻ nhàn rỗi, nhìn ngó khắp căn phòng một cách vô
duyên, kì thực lại đang đếm xem dòng slogan “Light up your way home” xuất hiện tất cả bao nhiêu lần trong diện
tích bảy mươi mét vuông của quán.
“Mười sáu lần. Đúng mười sáu lần. Cái quán nhạt nhẽo này!” – Minh
thầm nghĩ trong khi anh bắt đầu đặt nửa mặt bên phải áp xuống bàn, chằm chằm
một cách tọc mạch vào đôi tình nhân đang đút bánh cho nhau ăn. Những người đến
với Paris Gateaux, dù chỉ một lần, chắc chắn sẽ không đưa ra một nhận định tiêu
cực như Minh. Quán lịch sự, chỗ ngồi thoải mái, nhạc nhẹ nhàng, không gian yên
tĩnh, nhân viên thân thiện – đó là tất cả những gì người ta có thể liệt kê, sau
khi đã bỏ qua việc thức uống đặc trưng ở đây khá được ưa thích và những chiếc
bánh đạt được tiếng vang nhất định. Tuy nhiên, Minh thuộc loại đặc biệt. Điều này
lí giải cho việc nội quy của quán – bao gồm tấm bảng “No sleeping” được treo ở một vị trí hết sức dễ quan sát – lại “được”
Minh bỏ qua không cần suy sét. Thế nhưng, so sánh giữa cách không phí sức là
làm ngơ cho Minh ngủ với việc mang những điều lệ khuôn mẫu vớ vẩn ra để nhắc
nhở một vị khách đến quán năm ngày trong một tuần, dùng hai cốc nước một lần,
ăn số bánh gấp bốn người bình thường, lại sẵn sàng bực bội ra về và không
bao giờ quay lại, thì nhân viên ở đây hẳn sẽ có sự cân nhắc khôn ngoan.
Tuy nhiên, hôm nay Minh lại không
có hứng thú ngủ. Cho dù đêm qua, anh đã kết thúc công việc viết lách vào lúc ba
giờ sáng rồi tiếp tục nó bốn tiếng đồng hồ tại quán, kèm vô số lần rửa mặt và
hai cốc cappuccino tỏ ra vô dụng, anh vẫn muốn mình tỉnh táo cho cuộc hẹn. Anh
loay hoay mở đóng những trang Word, nhưng lại chẳng nghĩ ra việc để làm.

Khi kim giờ trên chiếc đồng hồ
đeo tay gần chỉ đến số hai, một cô gái tiến về phía anh.
– Chào anh.
Nụcười thoải mái và ánh mắt tinh
nghịch là điều mà ai cũng có thể nhận ra ở cô gái Minh đang gặp. Tuy nhiên, một
đối thủ đầy cá tính trước mặt và sự thận trọng trong ngôn từ đối thoại là tất
cả những gì Minh đang nghĩ.
– Vậy ra cô là IE?
Thay cho câu trả lời, cô gái gật
đầu và ngồi xuống.
***
Invisible Editor
Dưới đây là 8 quy tắc về Invisible Editor:
1. Khả năng của bạn sẽ được tôi
check, không cần tự giới thiệu thành tích.
2. Có một và chỉ một người duy
nhất làm công việc edit này.
3. Là con gái.
4. Không quen biết trước khi làm
việc cùng nhau.
5. Mọi công việc đều được thực
hiện qua email.
6. Sau một thời gian làm việc
cùng nhau, mối quan hệ vẫn chỉ mang tính chất công việc. Nhắc lại: KHÔNG GẶP.
7. Nếu đồng ý nhận việc, từ giờ
tôi sẽ gọi cô là IE.
8. Tôi không muốn/ cần/ bị phải
biết tên cô.
Minh thuộc tuýp cầu toàn tột độ.
Nhận xét này nên được viết ở cuối mỗi tác phẩm của anh, để người đọc sẽ không
bội thực nếu một ngày phát hiện ra bí mật về Minh. Là người yêu thích sự lãng
mạn và thể loại viễn tưởng, Minh đưa nó vào mọi tác phẩm, mọi câu chuyện tình
anh viết và thậm chí, nhiều khi là vào… cuộc sống của anh. Invisible Editor cũng là một sáng tạo trong số những chu trình cầu
toàn (và có phần hơi “khác người” ) anh tự vẽ ra. Cũng như nhiều nhà văn, việc
có những người duyệt tác phẩm cho mình là điều cần được khuyến khích. Tìm ra
lỗi, đưa ra nhận xét về nội dung, cách viết hoặc một gợi ý về cốt truyện hoàn
toàn có thể biến một tác phẩm từ không đọc nổi trở nên được đón nhận và làm
tăng khả năng viết của tác giả lên đáng kể. Những người duyệt không chỉ cần có
niềm ưa thích văn học, khả năng đọc và nghiền ngẫm, sự sắc sảo và kinh nghiệm
sống nhất định, mà cần có sự hòa hợp với tác giả để không gây ức chế khi đưa ra
những nhận xét trái chiều, mà ngược lại, tạo cảm hứng để tác giả chỉnh sửa,
thậm chí viết lại.
Với Minh, số người làm công việc
này chỉ nên dừng lại ở một – để đảm bảo anh không ngập ngụa trong những ý tưởng
và sự phê bình. Hơn thế, việc giới tính của IE là nam – có sự tương đồng về tâm
lý và lối tư duy sẽ khiến những nhận xét thiếu khách quan, giả dụ trong trường
hợp khắc họa một nhân vật nữ. Do đó một cô gái là sự lựa chọn hợp lý. Ngoài ra,
việc IE là một người quen biết sẽ ảnh hưởng vô cùng đến những nhận xét, khi mà
có chỗ của cảm xúc cá nhân dành cho Minh, cũng như một mối quan hệ tốt sẽ dễ
làm Minh sa đà vào những ý tưởng không hay ho của IE. Và sau khi những người
bạn thân nhất (một cách khó nhọc) giúp đỡ Minh tìm ra một người có không – sót –
một – tiêu – chuẩn nào, anh quyết định rằng mình thậm chí sẽ không cần (được)
biết tên người đó. Cô ấy sẽ chỉ mang tên Invisible
Editor (việc đặt tên Tiếng Anh sẽ tạo sự khách quan và không khơi gợi bất
kì một cảm xúc nào). Để dễ xưng hô, Minh thường gọi cô là IE. Hai người sẽ
không gặp nhau. Một phần nhuận bút và phần trăm từ doanh thu bán sách sẽ được
trích gửi qua tài khoản ngân hàng. Mọi thứ còn lại, bao gồm cả công việc edit,
đều được liên lạc qua mail.